Cờ Úp online - Nền tảng cá cược tốt

Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm nhìn trẻ thơ trong thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa - TS. Nguyễn Thị Thắng, khoa GD Tiểu học – Mầm non

 

 

1. Đặt vấn đề

   Thơ Trần Đăng Khoa nói chung và thơ viết cho thiếu nhi của ông nói riêng cho đến nay đã trở thành người bạn thân thiết của biết bao thế hệ người đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi. Nhắc đến thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa người ta nghĩ ngay đến một điệu thơ hồn nhiên, trong trẻo, một hồn thơ thuần hậu, chất phác mà cuốn hút lạ thường. Không phải ở những cái cao siêu, đài các, thơ Trần Đăng Khoa đem đến cảm nhận rất riêng về những gì thân thuộc, gần gũi nhất đối với mỗi “người nhà quê”. Vẻ đẹp ấy được tạo nên chính từ cách nhìn, cách khám phá cuộc sống rất đỗi trẻ thơ của “cậu bé Khoa” khi mới chỉ vừa 8 tuổi. Có thể nói điểm nhìn trẻ thơ trong thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa đã tạo nên một thế giới nghệ thuật độc đáo riêng có trong thơ ông, không lẫn với bất kì một nhà thơ thiếu nhi cùng thời hay khác thời nào.

2. Nội dung

Tài thơ của Trần Đăng Khoa được người đọc biết đến khi nhà thơ còn rất nhỏ: 8 tuổi đã có thơ đăng báo. Sau đó, Trần Đăng Khoa được những văn nghệ sĩ nổi tiếng đương thời như Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài... gọi là “thần đồng thi ca”. Điểm đặc biệt ở thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa trước hết là nhà thơ thiếu nhi viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi. Bằng con mắt nhìn của một cậu bé ở lứa tuổi còn non nớt với cuộc đời, Trần Đăng Khoa đã đem đến cho người đọc những cảm nhận thật gần gũi, thân quen mà hết sức thú vị trong thế giới tuổi thơ của mình: vừa ngây thơ, trong trẻo vừa rất tinh tế, sâu sắc.

2.1. Điểm nhìn từ không gian làng quê

Sinh ra từ miền quê đồng chiêm trũng tại làng Điền Trì, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, lắng trong mình vị phù sa của dòng sông Kinh Thầy hiền hòa, thân thuộc, thế giới nghệ thuật trong thơ Trần Đăng Khoa được mở ra từ không gian làng quê đậm đà phong vị dân tộc. Đọc thơ Trần Đăng khoa mỗi chúng ta đều cảm thấy bâng khuâng, nao nao trong lòng như bỗng nhiên bắt gặp thế giới tuổi thơ của mình, kỉ niệm với làng quê mình ở trong đó. Không gian làng quê của “cậu bé Khoa” bắt đầu từ một “góc sân nho nhỏ” trước ngôi nhà của mình: Em thường rải cái nong/ Ra góc sân ngồi học/ Những đêm có trăng mọc/ Em chơi cho đến khguya/ Thường là xỉa cá mè/ Hay làm mèo đuổi chuột... (Cái sân). Từ góc sân nhỏ ấy, cái nhìn của “cậu bé Khoa” mở ra thế giới rộng lớn, những “khoảng trời” mới qua những khám phá của con mắt trẻ thơ mỗi ngày:

                                       Góc sân nho nhỏ mới xây

                           Chiều chiều em đứng nơi này em trông

                                       Thấy trời xanh biếc mênh mông

                           Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy

                                                                                       (Góc sân và khoảng trời)

Không gian làng quê qua con mắt thơ của Trần Đăng Khoa được mở ra từ nhiều góc độ khác nhau. Trước hết là cảnh sắc thiên nhiên nơi thôn quê có “góc sân và khoảng trời”, “mấy chú gà liếp nhiếp/ Đi tìm mồi cùng mẹ bắt giun sâu”, có “Ông trăng tròn sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em”, có “Vườn em” với những cây chuối, cây cau, cây na, cây bưởi, luống khoai, luống cà; rộng hơn là chiếc ao làng có chú cá đớp mồi, là cánh đồng lúa chín, là cánh cò trắng bay, là con đường đến trường, là dòng sông thơ ấu... Cảnh làng quê ấy qua con mắt của Trần Đăng Khoa cũng có màu sắc và hương vị riêng của đồng nội. Ấy là màu lúa “cứ chín vàng, vàng tươi”, là vườn cải “ xanh như mảnh mây trời lao xao”, là màu quê hương “ ánh mặt trời hồng/ Có ánh mặt trăng tỏ/ Bờ mương xanh mướt cỏ”... Ở đó, “cậu bé Khoa” cảm nhận được cái mặn mà của “vị phù sa” trên dòng sông Kinh Thầy, vị thơm mát, nồng nàn của hương sen, hương bưởi, hoa cau, hoa nhãn mỗi mùa về. Thiên nhiên thôn quê trong thơ Khoa không chỉ có màu sắc, đường nét, hương vị mà còn rộn rã âm thanh – những âm thanh rất đỗi thân thuộc của làng quê: tiếng máy cày xình xịch trên đồng quê, tiếng thóc “thởhóp” ngoài sân phơi, tiếng “ liếp nhiếp”, tiếng chó “sủa đâu đâu”, tiếng chim hót trong vườn hay cả tiếng “ rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” cũng được nhà thơ cảm nhận và thể hiện với điệu thơ riêng.

Lắng đọng trong cái nhìn của Trần Đăng Khoa là hình ảnh những người lao động chân chất, mộc mạc nơi thôn quê. Đọc thơ Trần Đăng Khoa ta bắt gặp hình ảnh người mẹ nông dân chịu thương chịu khó, tảo tần sớm hôm trong cái nhìn đầy tình thương mến và lòng kính trọng của các con:

                                       Áo mẹ mưa bạc màu

                                       Đầu mẹ nắng cháy tóc

                                       Mẹ ngày đêm khó nhọc

                                       Con chưa ngoan, chưa ngoan

                                                               (Khi mẹ vắng nhà)

Ở đó còn có “Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa” vững vàng, tự tin chống lại những bão dông của thiên nhiên và cuộc sống hàng ngày... Đọc những vần thơ ấy, ta cảm nhận được tình cảm yêu mến lắng sâu, kính phục của “nhà thơ mục đồng” đối với những con người thân thuộc của quê hương. Có thể nói, trong cái nhìn trẻ thơ của Trần Đăng Khoa thiên nhiên và con người nông thôn Việt Nam hiện lên thật bình dị, gần gũi, mang vẻ đẹp riêng, tươi tắn như sức sống của tự nhiên muôn đời vẫn thế.

2.2. Điểm nhìn từ thời gian tuổi thơ

Thế giới quan trong thơ Trần Đăng Khoa được hiện lên từ điểm nhìn ở thì hiện tại, ở ngay thời điểm cuộc sống tuổi thơ đang diễn ra mỗi ngày, mỗi ngày. Những trang thơ cứ được trải dài thêm, mở rộng ra trong cái nhìn mỗi ngày thêm lớn của “cậu bé Khoa”. Đứng ở thời gian đương thời của tuổi thơ để cảm nhận và khám phá cuộc sống, Trần Đăng Khoa đã mở rộng dần không gian thơ mình bằng tất cả những sự việc đang diễn ra hàng ngày, bằng tất cả những gì mắt thấy tai nghe trong cuộc sống của một cậu bé ở thôn quê: từ những trò chơi dân gian của con trẻ như xỉa cá mè, mèo đuổi chuột, đánh tam cúc, thả diều đến trò chơi đóng vai mà bất kì đứa trẻ nào cũng thích; từ chuyện học hành đến việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà... lao động giúp cha mẹ, góp sức xây dựng quê hương... Nhưng điểm đặc biệt trong điểm nhìn từ thời gian tuổi thơ của Trần Đăng Khoa chính là ở chỗ: cái nhìn ấy luôn hướng về phía trước, về phía tương lai. Sống một cuộc sống còn nhiều khó nhọc của người nông dân thôn quê, sống trong những năm tháng chiến tranh lửa đạn của giặc Mĩ “trút trên mái nhà” nhưng tiếng thơ của Trần Đăng Khoa dường như chưa thấy giọng bi lụy khóc than cho cuộc sống. Ngược lại, ở đó ta cảm nhận một hơi thở nồng nàn của niềm tin yêu cuộc sống, hăng say lao động: Hạt gạo làng ta/ Có công các bạn/ Sáng nào chống hạn/ Vục mẻ miệng gầu/ Trưa nào bắt sâu/ Lúa cao rát mặt...(Hạt gạo làng ta); một tinh thần lạc quan bền bỉ vượt lên trên mưa bom bão đạn thường ngày: Chúng tôi đến lớp ngày ngày/ Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men/ Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu (Gửi bạn Chi-lê), Cánh diều vàng nắng/ Trời xanh cao hơn/ Dây diều em cắm/ Bên bờ hố bom (Thả diều). Trong bom đạn giặc Mĩ, cuộc sống của những con người Việt Nam vẫn tiếp tục sinh sôi, vẫn đang diễn ra bình thản từng ngày, từng giờ như không có bất kì một chấn động nhỏ nào đến sự bình yên ấy. Phải chăng tinh thần Việt Nam đã được hun đúc ngày ngày như thế!

2.3. Điểm nhìn từ tâm lí trẻ thơ

Sáng tác từ khi còn rất nhỏ, là nhà thơ thiếu nhi viết về chính thế hệ mình, cuộc sống hàng ngày của mình, Trần Đăng Khoa đã đem vào trong thơ thế giới quan tuổi nhỏ, điệu hồn trẻ thơ chân thực nhất, hồn nhiên nhất của lứa tuổi mình. Người đọc có thể thấy rất rõ nét tâm lí đặc thù của trẻ em trên những trang thơ của Trần Đăng Khoa: nhìn mọi vật xung quanh mình như những sinh thể có tâm hồn, đều là bầu bạn của con người. Bởi vậy, thế giới mà “cậu bé Khoa” tiếp xúc trở nên thật gần gũi với mỗi người, các đồ vật, con vật xung quanh ta cũng trở nên đáng yêu hơn khi chúng được gọi qua cách nhìn nhận của Trần Đăng Khoa. Đó là những chú chó vàng, chó vện, con trâu đen lông mượt, con mèo khoang, ông trời, bà sân, cậu mèo, mụ gà, chị gà mái, cái na, chị tre, chị lúa, bác nồi đồng... khiến cho thế giới bao quanh tuổi thơ Khoa không chỉ đông vui mà còn chứa đầy tình cảm, cảm xúc.

Bằng cái nhìn trẻ thơ với sức tưởng tượng phong phú, kì diệu nhà thơ nhỏ tuổi Trần Đăng Khoa đã đem đến cho người đọc những cảm xúc thú vị trong cách miêu tả, cảm nhận về thế giới tự nhiên. Ở đó, “Những chị lúa phất phơ bím tóc/ Những cậu tre bá vai nhau thì thầm đứng học/ Đàn cò áo trắng/ Khiêng nắng/ Qua sông/ Cô Gió chăn mây trên đồng/ Bác Mặt Trời đạp xe qua đỉnh núi” (Em kể chuyện này). Qua con mắt nhìn của trẻ thơ, với khả năng sáng tạo tuyệt vời, Trần Đăng Khoa đã khiến những hình ảnh thơ của ông mang một vẻ riêng, không lẫn với bất kì một nhà thơ nào. Chỉ là một cánh diều, đi vào trí tưởng tượng của “cậu bé Khoa”  thì: “Sao trời trôi qua/ Diều thành trăng vàng/ Diều là hạt cau/ Phơi trên nong trời/ Diều em lưỡi liềm/ Ai quên bỏ lại...” (Thả diều). Chỉ một vầng trăng nhưng qua con mắt của Trần Đăng Khoa vầng trăng ấy trở nên sống động với muôn hình vẻ: “Trăng hồng như quả chín/ Lửng lơ lên trước nhà/ Trăng tròn như mắt cá/ Chẳng bao giờ chớp mi/ Trăng bay như quả bóng/Bạn nào đá lên trời...” (Trăng ơi... từ đâu đến?). Hay những quả dừa tròn nằm san sát nhau được Trần Đăng Khoa so sánh thật độc đáo, ngộ nghĩnh: “Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao) (Cây dừa). Những liên tưởng bất ngờ của nhà thơ tạo nên vẻ đẹp diệu kì cho những hình ảnh thơ độc đáo làm nên bản sắc riêng của “thần đồng thi ca” Trần Đăng Khoa.

Điểm đặc biệt hơn nữa trong tâm lí trẻ thơ của nhà thơ nhỏ tuổi Trần Đăng Khoa còn ở chỗ bên trong tâm trí hồn nhiên, ngây thơ ấy đôi khi lại chứa đựng những suy tư, cách nhìn cuộc sống hết sức già dặn. Có lẽ do hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn nên những em bé như Trần Đăng Khoa ngày ấy đều tự nhiên lớn trước tuổi về cả tư duy, tâm lí, tình cảm như thế chăng? Bởi vậy mà mới chỉ là một cậu bé mà Trần Đăng Khoa đã có giọng “người lớn” dặn em nhỏ: “Dặn em đừng có chơi xa/ Máy bay Mĩ bắn không ra kịp hầm/ Đừng ra ao cá trước sân/ Đuổi con bươm bướm, trượt chân, ngã nhào/ Đừng đi bêu nắng nhức đầu/ Đừng vầy nghịch đất, mắt đau, lấm người/ Ốm đau là mất đi chơi/ Làm cho bố mẹ mất vui trong lòng” (Dặn em). Sống trong lửa đạn, một em bé như Trần Đăng Khoa ngày ấy đâu cần ai thuyết giáo mà đã nhận thức thật sâu sắc công lao của các chú bộ đội:

Giữ cho cháu trọn tiếng cười

Góc trường đỏ ngói khoảng trời xanh mây

Khoảng trời chỉ để chim bay

Góc trường chỉ để ngày ngày cháu vui

(...)

Chú thành thầy giáo cháu rồi

Dạy cho cháu học thành người Việt Nam...

(Giữ cho chúng cháu khoảng trời bình yên)

Có thể thấy rất rõ Trần Đăng Khoa đang viết về cuộc sống của mình, lứa tuổi của mình nên điểm nhìn trẻ thơ trong thơ thiếu nhi của ông bao giờ cũng là điểm nhìn bên trong. Nhà thơ chính là một nhân vật trữ tình tham gia vào thế giới nghệ thuât trong những trang thơ của mình. Chính bằng cách nhìn từ bên trong này khiến cho các hình ảnh thơ, tâm lí, tình cảm của trẻ em trong thơ Trần Đăng Khoa hiện lên sống động, chân thực và giàu cảm xúc hơn.

2.4. Các phương tiện nghệ thuật biểu hiện điểm nhìn trẻ thơ trong thơ Trần Đăng Khoa

Là thơ viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi nên điểm nhìn trong thơ Trần Đăng Khoa mang tính đặc thù rõ nét. Bởi vậy, các phương tiện nghệ thuật biểu hiện điểm nhìn trong thơ ông cũng bộc lộ tài năng sáng tạo nghệ thuật mang đậm “bản sắc thơ” của Trần Đăng Khoa. Điều này vừa được quy định bởi loại hình sáng tác nghệ thuật cho thiếu nhi vừa được hình thành từ lăng kính nghệ thuật độc đáo của tác giả. Trước hết là cách chọn thể thơ trong sáng tác của Trần Đăng Khoa. Phần lớn sáng tác của Trần Đăng Khoa là các bài thơ 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ gần gũi với đặc thù ngôn ngữ của trẻ em, dễ nhớ, dễ thuộc (Ò ó o..., Góc sân nho nhỏ, Hạt gạo làng ta, Trăng sáng sân nhà em, Trăng ơi... từ đâu đến?). Có những bài thơ sử dụng câu thơ dài hơn thì thường là thể thơ lục bát, gần gũi với giai điệu các bài ca dao, đồng dao thể hiện rõ tính dân tộc, dễ thấm được vào tâm hồn trẻ em (Góc sân và khoảng trời, Nghe thầy đọc thơ, Cây dừa...). Sử dụng chủ yếu điệu ngâm trong các bài thơ theo thể lục bát và điệu nói trong các bài thơ 2,3,4,5 chữ và thơ tự do, Trần Đăng Khoa lựa chọn cách kể chuyện bằng thơ. Điều này khiến cho nhiều bài thơ của ông trở thành những câu chuyện nhỏ. Nó phù hợp với lời trẻ thơ bi bô kể chuyện cho bà, cho mẹ, cho bạn bè thầy cô về những mới lạ khám phá được trong thế giới của mình. Hơn thế, những câu chuyện ấy lại được kể bằng nhạc điệu nhịp nhàng, uyển chuyển của những vần thơ nên rất dễ đi vào lòng người, lời kể dễ thương như ngôn ngữ của trẻ thơ vậy.

Đi liền với đặc điểm này, nhà thơ Trần Đăng Khoa sử dụng ngôi kể, cách xưng hô bộc lộ rõ điểm nhìn từ bên trong của người làm thơ như: “em”, “cháu”, “con”, lối xưng hô “tao – mày” rất tự nhiên và độc đáo. Riêng về sử dụng từ ngữ, Trần Đăng Khoa không chỉ bộc lộ sự tinh tế trong cách lựa chọn ngôn ngữ tự nhiên mà chính xác, giàu hình ảnh, nhà thơ còn cho thấy khả năng đưa ngôn ngữ đời thường vào trong thơ rất thành công, mang đặc thù của ngôn từ trẻ nhỏ. Chẳng hạn trong bài Buổi sáng nhà em có những câu thơ thật thú vị:

                           Mụ gà cục tác như điên

               Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi

Hay những câu thơ tự nhiên như nhà thơ đang nói chuyện vậy: Nghe bom thằng Mĩ nổ/ Mày bỏ chạy đi đâu/ Tao chờ mày đã lâu/ Cơm phần mày để cửa/ Sao không về hả chó?/ Tao nhớ mày lắm đó/ Vàng ơi là Vàng ơi!... (Sao không về Vàng ơi?).

Có thể thấy bằng việc sử dụng những ngôn ngữ đặc trưng như trên, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc về những vần thơ tuổi nhỏ mà mang tầm vóc lớn về sáng tạo nghệ thuật.

3. Kết luận

Điểm nhìn nghệ thuật trong sáng tác văn chương cung cấp một phương diện nghệ thuật thiết yếu để người đọc nhìn sâu hơn vào cấu trúc nghệ thuật, khả năng sáng tạo của tác giả, đồng thời nhận ra đặc điểm phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn, nhà thơ. Nghiên cứu Điểm nhìn trẻ thơ trong thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa giúp người đọc hình dung vừa khái quát vừa cụ thể hơn đặc trưng thế giới nghệ thuật trong sáng tác thơ của Trần Đăng Khoa, thấy được nét chung và vẻ đẹp riêng của thơ ông trong dòng văn học viết cho thiếu nhi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Từ Góc sân và khoảng trời thơ của riêng mình nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tô điểm cho khu vườn văn học thiếu nhi những màu sắc thơ độc đáo, cuốn hút trong những cái giản dị, hồn nhiên, thân thuộc thường ngày với mỗi tâm hồn trẻ thơ.

* Tài liệu tham khảo:

1. Lã Thị Bắc Lý, 2003, Giáo trình văn học trẻ em, NXB Đại học Sư phạm.

2. Trương Hữu Thắng (tuyển soạn), 2008, Trần Đăng Khoa tuyển tập thơ, NXB Lao động.

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết