Thạc sĩ Nguyễn Thị Thiêm - Khoa Mầm non
I. Đặt vấn đề
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của loài người. Lứa tuổi 5-6 tuổi là thời điểm tốt nhất để rèn luyện phát âm và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ 5-6 tuổi phát âm còn nhiều lỗi sai, chưa chuẩn. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, tôi lựa chọn và đưa ra: Một số biện pháp sửa lỗi phát âm cho trẻ 5-6 tuổi ở trường Mầm non.
II. Nội dung
1. Đặc điểm ngôn ngữ và một số lỗi phát âm thường gặp ở trẻ 5-6 tuổi
1.1. Đặc điểm ngôn ngữ của trẻ 5-6 tuổi
Đặc điểm vốn từ của trẻ mẫu giáo lớn 5-6 tuổi hầu hết các loại từ đã xuất hiện trong vốn từ của trẻ; trẻ từ 5-6 tuổi vốn từ của trẻ tăng tính từ và các loại từ khác đã chiếm một tỷ lệ cao hơn. Các loại từ xuất hiện dần dần, ban đầu chủ yếu là danh từ, sau đó đến động từ và tính từ, các loại từ khác xuất hiện muộn hơn.
Đặc điểm ngữ pháp trong lời nói của trẻ em cũng thay đổi và phát triển theo từng độ tuổi. Trẻ 5 - 6 tuổi đã sử dụng đa dạng các loại câu, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: các hình thức câu ghép còn nghèo nàn, trẻ hay mắc lỗi khi có những câu ghép có cấu trúc phức tạp; trẻ hay mắc lỗi khi gặp những đoạn đối thoại làm cho nội dung của truyện không được rõ ràng và tính biểu cảm không cao. Những phương tiện liên kết trong câu chuyện còn ít gặp làm cho chuyện kể thiếu sự liên kết. Trẻ hay dùng các từ chêm xen như: xong, xong là, thì là,… một cách tùy tiện làm cho câu chuyện thiếu hẳn mạch lạc. Vì vậy giáo dục ngôn ngữ cho trẻ cần chú ý động viên trẻ nói những câu đơn giản mở rộng, nói về một hoạt động, trạng thái, dạy trẻ nói các hình thức câu ghép khác nhau giúp trẻ hiểu đúng quan hệ đẳng lập, quan hệ chính phụ, cách sử dụng các từ liên kết.
Lời nói của trẻ mang tính tình huống, chủ yếu diễn đạt một cách vội vàng. Ngôn ngữ lời nói mạch lạc đầu tiên của trẻ được cấu tạo từ 2-3 câu. Trong lứa tuổi mẫu giáo nhỡ sự phát triển lời nói mạch lạc chịu ảnh hưởng lớn của việc tích cực hóa vốn từ, lời nói của trẻ trở nên mở rộng hơn, có trật tự hơn mặc dù cấu trúc vẫn còn chưa hoàn thiện. Ở độ tuổi này diễn ra sự phát triển mạnh mẽ lời nói văn cảnh. Ở trẻ mẫu giáo lớn, lời nói mạch lạc đã đạt được trình độ khá cao, trẻ sử dụng câu tương đối chính xác, ngắn gọn và khi cần thiết mở rộng để trả lời câu hỏi. Kỹ năng nhận xét lời nói và câu trả lời của các bạn, bổ sung và sữa chữa các câu trả lời đó phát triển. 6 tuổi trẻ có thể đặt các câu miêu tả hay theo một chủ đề nào đó cho trước một cách tương đối tuần tự và rõ ràng những trẻ vẫn cần đến mẫu lời nói của cô giáo. Kỹ năng truyền đạt trong lời kể, thái độ cảm xúc của mình với các sự vật, hiện tượng trong câu chuyện của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ.
1.2. Một số lỗi phát âm thường gặp ở trẻ 5-6 tuổi
Chuẩn phát âm là cách phát âm được được cho là chuẩn. Hiện nay, chuẩn phát âm tiếng Việt là chuẩn phát âm Hà Nội bổ sung thêm ba âm s, tr, r và hai vần ưu, ươu. Trong quá trình học phát âm của trẻ, trẻ phải ghi nhận các âm thanh (nghe bằng tai, nhìn bằng mắt) và tái hiện bằng âm thanh của mình. Trẻ tiếp thu âm thanh của tiếng nói một cách dần dần. Vào đầu tuổi mẫu giáo, bộ máy máy ngôn ngữ của trẻ đã hình thành, tuy nhiên, khả năng tái tạo ngôn ngữ chưa hoàn chỉnh. Trẻ thường nói không đúng một số thành phần khó của âm tiết như phụ âm đầu, âm đệm, âm cuối, thanh ngã, thanh hỏi... Dưới đây là một số lỗi phát âm mà trẻ thường mắc phải.
Lỗi về thanh điệu: Trong số các thanh điệu tiếng Việt, thanh hỏi và thanh ngã là hai thanh có cấu tạo phức tạp. Việc thể hiện thanh ngã với âm điệu gãy ở giữa là cách phát âm khó đối với trẻ. Trẻ thay thế bằng cách phát âm đơn giản hơn tức là với âm điệu không gãy ở giữa. Vì vậy dễ đồng nhất với âm điệu của thanh sắc. Phát âm ngã thành ngá hoặc mỡ thành mớ.
Dù chuyển đổi hướng đi của đường nét âm điệu thanh hỏi không diễn ra đột ngột như thanh ngã, quá trình phát âm kéo dài trở thành khó đối với trẻ nhỏ có hơi thở ngắn. Khi phát âm, trẻ thay thế âm điệu gãy bằng âm điệu không gãy, điều này làm cho thanh hỏi ở trẻ gần như đồng nhất với thanh nặng. Trẻ phát âm thanh hỏi thành họi hoặc phát âm hổ thành hộ. Đến hết tuổi mẫu giáo lỗi sai về hai thanh này sẽ được khắc phục hầu như hoàn toàn.
Lỗi phụ âm đầu: Trẻ thường hay nói lẫn lộn giữa: l và n con lợn thành con nợn; cái nồi thành cái lồi; lon ton thành non ton;… Cái rổ thành cái dổ; cô giáo thành cô dáo; rễ cây thành dễ cây; Lẫn lộn giữa kh và h; g và h; c và t: quả khế thành quả hế; con gà thành con hà; cô thành tô; con thành ton; một số trẻ 5 - 6 tuổi khi phát âm phụ âm p lẫn sang phụ âm b đèn pin thành đèn bin.
Lỗi âm đệm: Âm đệm chỉ được đọc lướt qua nên trẻ khó ghi nhận những âm chính vì thế âm đệm thường bị bỏ qua. Trẻ phát âm quả quất thành cả cất; hoa quả thành ha cả,…
Lỗi âm chính: Lỗi về âm chính tập trung vào việc trẻ phát âm nguyên âm đôi này nguyên âm đôi kia. Trẻ phát âm con hươu thành con hiêu; hữu thành hĩu; quả chuối thành quả chúi; huyền thành huền;…
Lỗi âm cuối: Trong phụ âm đứng làm âm cuối thì những cặp ch và nh trẻ phát âm thành t và n. Anh Tú thành Ăn Tú; cây xanh thành cây xăn; gồng gánh và gồng gắn; thuyền buồm thành thuyền buồn;… Cặp sách thành cặp sắt; anh ách thành ăn ắt;… Trẻ miền Nam phát âm sai các phụ âm cuối: n thành ng; kháng chiến thành kháng chiếng; con kiến thành con kiếng; lon ton thành long toong;…ch thành r; con ếch thành con ết… Như vậy, để có thể phát hiện ra lỗi phát âm của trẻ chúng ta không những phải nắm được những đặc điểm tâm sinh lí mà còn phải nắm rõ về đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ.
2. Một số biện pháp sửa lỗi phát âm cho trẻ 5-6 tuổi
2.1. Biện pháp 1: Sửa lỗi phát âm thông qua trò chuyện với trẻ hàng ngày
Mục đích: Trò chuyện với trẻ nhằm phát triển ở trẻ khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh cụ thể là làm cho trẻ có thể nghe và hiểu được nội dung của câu chuyện của người nói đang trò chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp với trẻ. Đồng thời trẻ có thể tự nói được những gì trẻ muốn thông qua lời nói của trẻ. Trò chuyện nhằm nâng cao khả năng hiểu biết và khả năng ngôn ngữ của trẻ. Việc trò chuyện với trẻ không chỉ giúp cho trẻ mở rộng vốn từ, sử dụng từ tốt hơn, mạch lạc hơn mà qua đó còn giúp người lớn nhận ra trẻ thường phát âm sai ở những lỗi nào để từ đó đưa ra biện pháp sửa chữa, uốn nắn kịp thời.
Một số yêu cầu khi trò chuyện với trẻ: Khi trò chuyện với trẻ người hướng dẫn không được cho trẻ nhắc lại những phát âm sai của trẻ mà cần cho trẻ nghe lại những phát âm đúng từ người hướng dẫn. Tạo không khí thoải mái, thân mật với trẻ để trẻ nói chuyện một cách tự nhiên. Người trực tiếp trò chuyện với trẻ phải hiểu trẻ, dựa vào hiểu biết của trẻ để nói sao cho phù hợp với trẻ. Khi nói chuyện cần gợi mở, khuyến khích trẻ nói chuyện một cách nhiều nhất và tập chung vào những câu nói trẻ hay bị sai. Cuộc nói chuyện diễn ra dưới hình thức: Cô nói, cô hỏi, trẻ trả lời, trẻ tự kể.
Một số đề tài trò chuyện với trẻ: Đề tài: Con vật nuôi, Một ngày của bé ở lớp, Một ngày đi chơi của bé… chẳng hạn đề tài Một ngày của bé ở lớp
Nhiệm vụ: Cô giúp trẻ nhớ lại những gì đã xảy ra trong một ngày của trẻ. Người hướng dẫn giúp trẻ nhớ lại và kể lại theo trình tự thời gian công việc. Tập cho trẻ cách nói mạch lạc, lưu loát, trôi chảy.
Nội dung gợi ý: cô hỏi và đàm thoại với trẻ về các hoạt động chính diễn ra trong ngày khi trẻ ở lớp. Sáng đến lớp con làm những gì? Sau khi ăn sáng và tập thể dục thì con được tham gia vào hoạt động nào cùng các bạn? Sử dụng các cụm từ: Buổi sáng, đến lớp, ăn sáng, tập thể dục, xếp ghế, giờ lên lớp, ăn trưa, kê bàn ghế, xúc cơm, lau miệng, rửa tay, lấy gối, ngủ trưa, đi vệ sinh, ngủ dậy, ăn chiều, bố mẹ đón về…
2.2. Biện pháp 2: Sửa lỗi phát âm thông qua luyện phát âm theo mẫu cho trẻ
Đối với trẻ 5 - 6 tuổi cần củng cố, chính xác hóa lại các âm vị Tiếng Việt bằng cách phát âm mẫu rõ ràng, có cường độ vừa phải. Phát âm trước mặt trẻ để trẻ có điều kiện quan sát sự chuyển động của cơ quan phát âm. Với lứa tuổi này giáo viên có thể chỉ ra cho trẻ biết vị trí của các bộ phận phát âm như: môi, răng, độ mở của miệng...(đối với những âm có cấu âm không quá phức tạp) sau đó cho trẻ phát âm lại. Giáo viên nghe và sửa sai cho trẻ. Phát âm chữ “u” thì tròn môi Phát âm “1” thì uốn lưỡi cong…
Giáo viên có thể chọn ra từ hoặc câu mẫu mà trẻ thường phát âm sai và luyện tập cùng trẻ. Đảm bảo rằng các từ hoặc mẫu câu này có âm thanh rõ ràng và dễ nghe. Khi luyện tập phát âm, giáo viên có thể làm mẫu cho trẻ một lần và khuyến khích trẻ thực hiện theo. Nếu trẻ phát âm đúng, giáo viên hãy lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ làm quen với cách phát âm chuẩn. Nếu trẻ phát âm chưa đúng, hãy làm mẫu lại, đọc chậm hơn, rõ khẩu hình để trẻ có thể lắng nghe và quan sát. Giáo viên bao quát trẻ nhẹ nhàng phân tích lỗi sai và chỉ ra cách phát âm cho đúng.
2.3. Biện pháp 3: Sửa lỗi phát âm thông qua các trò chơi phát triển ngôn ngữ
Mục đích: Đối với trẻ mẫu giáo, hoạt động vui chơi vẫn là hoạt động chủ đạo, trẻ học mà chơi, chơi mà học, trẻ rất hứng thú với những giờ vui chơi. Thông qua các trò chơi chúng ta có thể: Phát hiện ra lỗi phát âm của trẻ, rèn luyện kỹ năng phát âm chuẩn cho trẻ, sửa được lỗi phát âm mà trẻ mắc phải. Góp phần giáo dục tính có kỉ luật, tính kiên trì, sáng tạo, đoàn kết và hợp tác giữa các trẻ trong khi chơi. Rèn luyện khả năng chú ý, ghi nhớ có chủ định và phản ứng nhanh trước những yêu cầu của trò chơi. Phát triển óc thẩm mỹ, sáng tạo, vận động đối với trẻ.
Một số yêu cầu khi sử dụng biện pháp: Cô phải biết lỗi phát âm của trẻ, những từ chọn để sửa lỗi phát âm cho trẻ phải dùng vào mục đích sửa lỗi chứ không dùng những từ phát triển vốn từ thông thường. Nội dung biện pháp phải phù hợp với lỗi phát âm của trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và đặc điểm ngôn ngữ của trẻ. Sửa lỗi phát âm cho trẻ không được nhắc lại lỗi phát âm của trẻ mà cho trẻ phát âm đúng chuẩn theo người hướng dẫn. Đồ dùng trực quan phải chính xác, có tính giáo dục, thẩm mỹ, an toàn để kích thích hứng thú của trẻ. Người sửa lỗi phát âm cho trẻ phải kiên trì, nhẹ nhàng, ân cần, không tỏ thái độ khó chịu, mắng mỏ trẻ khi trẻ phát âm sai. Động viên, khuyến khích trẻ trong quá trình sửa lỗi. Một số trò chơi sữa lỗi phát âm cho trẻ: Trò chơi “Cái gì biến mất”, Chiếc túi kỳ diệu…
Mục đích: Sửa lỗi phát âm ở: âm chính, thanh điệu, đồng nhất với thanh hỏi và thanh nặng, lẫn lộn giữa n và l trong chủ đề thế giới thực vật và thế giới động vật. Rèn luyện phản ứng nhanh trước yêu cầu của cô
Chuẩn bị: Một túi vải to bên trong đựng các đồ chơi bằng nhựa như: quả bưởi, quả na, quả lựu, con hổ, con hươu, con lợn, con ếch.
Cách tiến hành:
Cô mời một trẻ lên và cho tay và trong túi lấy ra một đồ chơi, giơ lên cho cả lớp cùng xem. Sau đó cô hỏi: Bác Gấu đen đã tặng cho lớp mình món quà gì đây? À! Đúng rồi. Đây là một quả bưởi. Cô mời một vài trẻ đứng lên phát âm lại từ quả bưởi. Cứ tiếp tục như vậy, cô mời các trẻ lên nhặt trong chiếc túi kỳ diệu ra một đồ chơi. Cô hỏi trẻ đó là con gì hoặc quả gì? Sau đó trẻ sẽ nói tên đồ vật đó. Ngoài ra cô còn có thể hỏi trẻ thêm về màu sắc của đồ vật để làm tăng việc phát âm của trẻ. Với những từ khó hoặc những từ trẻ hay phát âm sai, cô cho trẻ nhắc lại nhiều lần, gọi nhiều trẻ đứng lên phát âm.
2.4. Biện pháp 4: Sửa lỗi phát âm thông qua sử dụng đồ dùng trực quan
Mục đích: Sử dụng đồ dùng trực quan ở trường mầm non có vai trò hết sức quan trọng vì phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ, phù hợp với kiểu tư duy trực quan hành động của trẻ. Đồ dùng trục quan đó là những hình ảnh, những đồ vật thật hay đồ chơi góp phần quan trọng trong việc sửa lỗi phát âm cho trẻ mầm non. Trẻ sẽ được tiếp xúc trực tiếp các đồ dùng trực quan, mắt nhìn, tay cầm, những đồ vật thật trẻ có thể ngửi... như vậy sẽ giúp trẻ hứng thú tham gia, trẻ nhớ lâu và phát âm tên đồ vật chính xác hơn.
Các đồ dùng trực quan sẽ tác động một cách có chủ đích vào thị giác của trẻ, trẻ sẽ phát âm theo tên gọi của đồ vật đó. Qua đó, giúp chúng ta dễ dàng phát hiện ra những lỗi phát âm mà trẻ thường gặp, để sửa lỗi phát âm cho trẻ giúp trẻ phát âm chuẩn.
Yêu cầu: Đồ dùng trực quan được sử dụng phải phù họp với lứa tuổi, với chủ đề. Đồ dùng trực quan phải đảm bảo tiêu chuẩn về kích thước không quá to, cũng không quá nhỏ sao cho trẻ dễ dàng quan sát, màu sắc hài hòa, an toàn, vệ sinh không gây nguy hiếm cho trẻ. Khi dùng biện pháp này phải kết hợp với các phương pháp như: Đàm thoại, giảng giải, giải thích... góp phần đem lại kết quả cao. Đồ dùng trục quan được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Giáo viên xác định xem trẻ hay mắc lỗi phát âm nào mà lựa chọn đồ dùng trực quan cho phù họp và chỉ tập trung sửa lỗi phát âm đó.
Chuẩn bị: Các tranh ảnh, mô hình hoặc đồ vật thật liên quan đến chủ đề và áp dụng sửa lỗi phát âm cho trẻ.
Tiến hành: Cho trẻ ngồi hình chữ U. Để mô hình, đồ vật ở giữa sao cho mọi trẻ đều có thể quan sát được. Trò chuyện với trẻ về các chủ đề đã học. Cô chọn cho mình một mô hình đồ vật và thông báo cho trẻ biết mô hình đồ vật đó thuộc chủ đề nào. Gọi một trẻ lên và cho trẻ đó biết hình của cô, các trẻ khác không biết. Sau đó yêu cầu các trẻ khác đoán đồ cô và bạn cầm là gì. Rồi cho mỗi trẻ tự lấy cho mình và lần lượt từng trẻ lên gọi tên đồ vật của mình. Nếu đồ vật đó chọn không trùng với hình của cô thì trẻ đứng cùng cô phải gọi lại tên đồ vật trẻ kia cầm, còn nếu trùng với hình của cô thì trẻ đó im lặng. Cứ như vậy cho lần lượt các trẻ làm người đúng trước lớp để gọi tên đồ vật các bạn mình cầm. Các lần khác cô cho trẻ tự thực hiện, cô chỉ sửa sai khi trẻ phát âm sai.
2.5. Biện pháp 5: Sửa lỗi phát âm thông qua đọc thơ, các câu nói có vần, đọc bài đồng dao, tập cho trẻ nói đúng, nói nhanh
Mục đích: Sửa lỗi phát âm cho trẻ thông qua đọc thơ, các câu nói có vần, đọc bài đồng dao, tập cho trẻ nói đúng, nói nhanh giúp cho trẻ cảm nhận được nhịp điệu của thơ, đồng dao, biết thể hiện lại ngữ điệu, giọng nói, giúp trẻ hiểu nội dung câu chuyện, ghi nhớ có chủ định, khơi gợi ham muốn được nghe, học và kể lại những câu chuyện. Từ đó, sẽ phát hiện ra nhũng lối phát âm của trẻ và dựa vào chính những câu chuyện, bài thơ, đồng dao đó để sửa lỗi phát âm cho trẻ.
Các tác phẩm được lựa chọn để sửa lỗi phát âm cho trẻ phải đảm bảo các yêu cầu sau: Lựa chọn các tác phẩm phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Phải biết được lỗi phát âm mà trẻ thường mắc phải để lựa chọn tác phẩm cho phù hợp. Những tác phẩm được chọn phải được sử dụng vào mục đích sửa lỗi phát âm chứ không chỉ để phát triển vốn từ cho trẻ. Các tác phẩm được lựa chọn phải có tính thẩm mĩ để gây hứng thú cho trẻ. Từ đó giúp trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động hơn. Trong quá trình sửa lỗi phát âm cho trẻ giáo viên phải nhẹ nhàng, khích lệ, động viên trẻ, không nên nóng vội, cáu gắt với trẻ. Một số tác phấm văn học giúp trẻ sửa lỗi phát âm cho trẻ: Xe chữa cháy, Con rùa, Yêu mẹ, Mèo con đi học,
2.6. Biện pháp 6: Sửa lỗi phát âm thông qua các bài hát dành cho trẻ mầm non
Mục đích: Âm nhạc luôn là một hoạt động lôi cuốn và rất được trẻ yêu thích, qua hoạt động âm nhạc không chỉ dạy trẻ hát đúng nhạc rõ lời mà rất chú ý dạy trẻ hát chuẩn các từ. Sửa lỗi phát âm cho trẻ thông qua các bài hát dành cho trẻ mầm non không những tập cho trẻ hát đúng, hát nhanh mà còn giúp trẻ cảm nhận được nhịp điệu của bài hát, khơi gợi cảm xúc, ham muốn được nghe, hát. Ngoài ra, khi trẻ hát không có nhạc đệm để giúp trẻ sửa cao độ, trường độ của bài hát, đồng thời sửa lỗi phát âm cho trẻ, đặc biệt với những bài hát có nhiều câu, từ có phụ âm đầu L-N. Từ đó, sẽ phát hiện ra những lỗi phát âm của trẻ và dựa vào chính những bài hát đó để sửa lỗi phát âm cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi.
Các bài hát được lựa chọn để sửa lỗi phát âm cho trẻ phải đảm bảo các yêu cầu sau: Lựa chọn các bài hát phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ, phù hợp với các đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Phải biết được lỗi phát âm mà trẻ thường mắc phải để lựa chọn các bài hát phù hợp. Những bài hát được chọn phải sử dụng vào mục đích để sửa lỗi chứ không chỉ để phát triển vốn từ cho trẻ. Các bài hát được lựa chọn phải có tính thẩm mĩ để gây hững thú cho trẻ. Từ đó giúp trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động hơn. Trong quá trình sửa lỗi phát âm cho trẻ giáo viên phải nhẹ nhàng, khích lệ, động viên trẻ, không nên nóng vội, cáu gắt với trẻ làn nhụt ý chí của trẻ. Một số bài hát giúp trẻ sửa lỗi phát âm: Lá xanh, Những khúc nhạc hồng, Múa với bạn Tây Nguyên…
2.7. Biện pháp 7: Sửa lỗi phát âm thông qua việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường
Mục đích: Đây là hình thức phối kết hợp để trẻ ở nhà cũng như ở trường phát triển một cách tốt nhất những gì trẻ học được. Khi đến trường trẻ được giáo viên trực tiếp sửa lỗi cho khi trẻ phát âm sai. Khi về nhà trẻ cũng được bố mẹ, ông bà sửa lỗi đó thì trẻ sẽ nhớ không quên và nhanh chóng khắc phục những lỗi phát âm sai đó. Giúp phụ huynh và giáo viên biết được ở trên lớp cũng như ở gia đình, trẻ được cô giáo và bố mẹ quan tâm dạy cho trẻ những gì tốt nhất, cùng khắc phục lỗi cho trẻ.
Yêu cầu: Việc phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường là việc quan trọng để trực tiếp sửa lỗi phát âm cho trẻ. Gia đình và nhà trường là gạch nối ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Khi đến lớp cô đón trẻ hoặc trả trẻ có thể trao đổi tình hình trực tiếp của trẻ trên lớp để bố mẹ khi đón biết được con mình một ngày được học những gì?. Có gì nổi bật ở trên lớp? hoặc mắc những khuyết điểm nào?. Từ đó cô đưa ra các biện pháp khác nhau phù hợp với trẻ để về nhà bố mẹ trẻ kết hợp cùng giáo viên trong trường trực tiếp thực hiện những biện pháp trên lớp đang thực hiện. Khi trên lớp cô thấy trẻ còn mắc những lỗi phát âm như l và n. Trên lớp cô cho trẻ đọc bài thơ, bài hát,… để luyện phát âm cho trẻ thì khi về nhà bố mẹ cũng khuyến khích trẻ đọc cho cả nhà nghe và cùng sửa lỗi trẻ phát âm sai với cô giáo trên lớp. Khi giúp trẻ sửa lỗi sai cả cô giáo và gia đình đều cần phải nhẹ nhàng, động viên, khuyến khích trẻ. Tránh tình trạng muốn trẻ theo ý mình mà quát mắng trẻ như vậy kết quả đạt được sẽ không như mong muốn. Gia đình và nhà trường cùng phối hợp thì trẻ sẽ nhanh chóng sửa được những lỗi phát âm sai.
2.8. Biện pháp 8: Khuyến khích trẻ tự phát hiện sửa lỗi phát âm cho nhau
Mục đích: Đây là một biện pháp đạt đỉnh cao của việc sửa lỗi phát âm cho trẻ. Mục đích cuối cùng chính là tạo ra cho trẻ ý thức sửa lỗi phát âm.
Yêu cầu: Không những giáo viên mà tất cả những người tiếp xúc với trẻ cần: Khích lệ trẻ phát hiện lỗi phát âm của các bạn khác và nhắc nhở bạn sửa ngay. Để hình thành thói quen này, giáo viên cần phải luôn gần gũi, giao tiếp với trẻ, yêu cầu trẻ chú ý lắng nghe, phát hiện chính bản thân lỗi phát âm sai của chính bản thân và các bạn, kịp thời động viên những trẻ có ý thức phát âm đúng. Cô cho trẻ đọc bài thơ “ Nắng bốn mùa”: Dịu dàng và nhẹ nhàng/ Vẫn là chị nắng xuân/ Hung hăng hay giận dữ/ Là ánh nắng mùa hè/ Vàng hoe như muốn khóc/ Chẳng ai khác nắng thu/ Mùa đông khóc hu hu/ Chỉ vì không có nắng. Khi phát hiện có một số trẻ đọc sai thanh điệu. VD: dữ à dứ ; chỉ à chị; đọc sai phụ âm đầu là à nà ; nắng à lắng; khóc à hóc; đọc sai âm cuối ánh à ắn. Giáo viên cần yêu cầu, hướng dẫn cho trẻ đọc lại và tập luyện cho trẻ tự hỏi nhau: Đọc như thế đã đúng chưa? Tại sao chưa đúng? Đọc như thế nào là đúng?
Giáo viên cho trẻ đọc chuẩn đọc lại và cho các bạn nhận xét cách phát âm của bạn mình. Với nhiều lần làm như vậy đã giúp trẻ có thể tự phát hiện lỗi phát âm của mình và của các bạn trong lớp. Tạo ra môi trường cho việc sửa phát âm đạt hiệu quả nhất, giúp trẻ phát âm chuẩn ngay từ khi trẻ đến trường, chuẩn bị hành trang để trẻ vào lớp 1 trường tiểu học.
III. KẾT LUẬN
Trên đây là một số biện pháp sửa lỗi phát âm cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non. Tác giả mong muốn nhận được sự góp ý của đồng nghiệp để các biện pháp đưa ra đạt được hiệu quả tốt nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đào Thanh Âm (2006), Giáo dục học Mầm non, tập 1, NXB ĐHSP.
[2]. Nguyễn Thị Thiêm (chủ biên), Nguyễn Thị Huế, Vương Hồng Nhung, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Thắng, 2024, Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, Nhà xuất bản Hà Nội.
[3]. Đinh Hồng Thái (chủ biên) và Trần Thị Mai, 2009, Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, Giáo trình dành cho hệ Cao đẳng Sư phạm mầm non, Nhà xuất bản Giáo dục.
[4]. Trần Thị Ngọc Trâm - Lê Thu Hương - Lê Thị Ánh Tuyết, Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2010.
[5]. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2006), Tâm lí học trẻ em lứa tuổi Mầm non, Nxb ĐHSP
[6]. Nguyễn Như Ý, Từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa - Thông tin, 1999.