Nhắc tới Bắc Ninh, người ta nghĩ ngay đến hai từ “Kinh Bắc” bởi đây là tên gọi vùng đất có nền văn hiến lâu đời, nơi khai mở nền văn minh Đại Việt. Kinh Bắc xưa là vùng đất bên bờ Bắc sông Hồng, đối diện Kinh đô Thăng Long, gồm toàn bộ đất đai tỉnh Bắc Ninh bây giờ và các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm của Hà Nội; Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên và phần Nam Bắc Giang.
Không gian văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh còn bảo lưu, gìn giữ được hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, giàu giá trị.
Trong ảnh: Đình Lại Đà (Di tích Quốc gia) tôn thờ vị Trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước-Nguyễn Hiền, xưa thuộc làng Lại Đà, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh; nay là thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đất Kinh Bắc được bồi đắp và tưới tắm bởi phù sa sông Hồng cùng rất nhiều con sông khác trong vùng. Đặc biệt là bốn con sông cùng mang chữ “Đức”: Thiên Đức-sông Đuống, Nguyệt Đức-sông Cầu, Nhật Đức-sông Thương, Minh Đức-sông Lục Nam.
Sách Đồng khánh dư địa chí ghi chép: Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc dưới triều Hùng Vương - An Dương Vương. Thời Bắc thuộc là đất huyện Luy Lâu-Long Biên của quận Giao Chỉ, sau là Giao Châu. Thời Lý-Trần là Bắc Giang đạo. Thời Lê là Kinh Bắc đạo, sau đổi là trấn rồi xứ Kinh Bắc. Thời Nguyễn, đầu đời Gia Long vẫn gọi trấn Kinh Bắc gồm 4 phủ và 20 huyện. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi gọi là trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) chia đặt tỉnh hạt, đổi gọi là tỉnh Bắc Ninh.
Những giá trị tinh thần, tư tưởng của vùng đất này được phản ánh qua các huyền thoại về ông Đùng, bà Đùng, về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, về Thánh Gióng, Mỵ Châu - Trọng Thủy, về thành Cổ Loa, An Dương Vương, Cao Lỗ Vương... Cùng với đó là đậm đặc các di tích phong phú, đa dạng và tiêu biểu hơn bất cứ địa phương nào trên đất nước ta, vẫn đang được bảo lưu trong lòng đất, lòng người Kinh Bắc. Nổi bật như lăng Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ, đền Phù Đổng Thiên Vương, thành Cổ Loa, thành cổ Luy Lâu...
Chứng tích khảo cổ và lịch sử, văn hóa của Bắc Ninh ngày nay chứng minh, nơi đây thuộc địa bàn sinh tụ chủ yếu của người Việt cổ ở đồng bằng Bắc bộ, trở thành nôi sinh của dân tộc Việt, bộ phận trọng yếu của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc và là nơi hình thành tảng nền văn hóa, văn minh Việt Nam. Đó là nền văn minh nông nghiệp lúa nước với cơ tầng văn hóa xóm làng.
Sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) tổng kết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi...”.
Thủy đình Đền Đô (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn).
Vùng đất mang danh Kinh Bắc - Bắc Ninh này có vị thế hết sức đặc biệt trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong cái nhìn địa-văn hóa khi bàn về vùng sông núi Tiêu Tương, hương Cổ Pháp, cố GS Trần Quốc Vượng cũng cho rằng: “Đại Việt chỉ thực sự ổn định và bắt đầu phát triển với nhân tài-vật lực xứ Bắc... So với các xứ Đoài, xứ Nam, xứ Đông thì xứ Bắc đi trước, từ đầu thế kỷ XI đã tiến vào khu vực trung tâm cõi bờ đất nước”. Xứ Bắc - Bắc Ninh chính là nơi phát tích nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt gắn liền với tên tuổi những danh nhân lịch sử kiệt xuất như: Lý Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh...
Nổi tiếng là vùng đất hiếu học khoa bảng, nhiều người học giỏi, văn hay chữ tốt nên thời nào Kinh Bắc-Bắc Ninh cũng đều có những bậc hiền nhân làm vẻ vang quê hương, đất nước. Trong gần 1000 năm khoa cử Hán học, số người Kinh Bắc đỗ đạt giữ vị trí hàng đầu, nhận được sự cảm phục của giới trí thức trong cả nước. Trong đó có 77 người là sứ giả của triều đình. Những danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu như Lê Văn Thịnh, Huyền Quang, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Cao... Họ đều là những người tài cao, đức trọng, nhiều người khi mất đã được cộng đồng cư dân các làng xã suy tôn thành thần thánh và lập đền miếu phụng thờ.
Xa xưa Kinh Bắc - Bắc Ninh đã hấp dẫn người dân mọi miền tới làm ăn sinh sống, trở thành miền quê trù phú, kinh tế phát triển vào bậc nhất trong “tứ trấn”- “Ai lên xứ Bắc mà trông/Đất lành gạo trắng nước trong thay là”. Người dân Bắc Ninh vốn thuần phác, cần cù, chịu thương chịu khó, hiếu khách quý người. Họ không chỉ giỏi làm ruộng mà còn khéo tay thợ, tinh xảo, hoạt bát trong giao thương buôn bán, lại thông minh, hiếu học nên lĩnh vực nào cũng thông thạo, thành nghề thành nghiệp. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi “Trong toàn hạt, người chuyên nghề sĩ và nông có ba phần, chuyên nghề thương mại có một phần”.
Văn hóa Quan họ hội tụ, kết tinh đầy đủ vẻ đẹp, cốt cách của người Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Cũng bởi thế, ngoài nghề nông thì làm thợ và buôn bán là nguồn sống chính của người dân nơi đây. Quả thực, ít có nơi nào nhiều làng nghề, làng buôn nổi tiếng như miền Kinh Bắc, nào gốm sứ Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà; gò đúc đồng Đại Bái, Quảng Bố; rèn sắt Đa Hội; chạm khắc gỗ Phù Khê, Hương Mạc; sơn mài Đình Bảng; giấy dó Đống Cao; tranh điệp Đông Hồ; dệt lụa Tam Sơn, Cẩm Giang, Hồi Quan... Từ rất sớm, Bắc Ninh đã xuất hiện các trung tâm thương mại lớn như đô thị Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên... Cùng với đó là mạng lưới chợ quê dày đặc, rộng khắp các làng xã, bày bán nhiều mặt hàng đặc sản nổi tiếng. Làng quê Bắc Ninh vì thế không tĩnh lặng mà luôn nhộn nhịp, sầm uất, sôi động với các hoạt động kinh tế đa dạng, tạo môi trường cho cá tính, phẩm chất con người Bắc Ninh phát triển.
Qua thời gian, khái niệm “người Kinh Bắc” đã trở thành một “thương hiệu”, một trong những “giá - trị - người” cao quý ghi dấu ấn đậm nét trong những trang sử vàng dân tộc. Giá trị ấy không chỉ được nâng niu, bảo giữ, lan tỏa cùng thời gian mà trở thành một hằng số của lịch sử văn hóa Việt Nam có ý nghĩa biểu tượng cho lớp lớp hậu sinh tự hào, ngưỡng vọng và noi theo. Đó là sự năng động, hoạt bát trong làm ăn; văn nhã, khôn khéo trong giao tiếp ứng xử với phẩm chất nổi bật vừa ý nhị, thâm thúy của kẻ sĩ Bắc Hà, vừa đậm chất hào hoa, thanh lịch của nếp sống Thượng Kinh… Đặc biệt, còn là sự đằm thắm, tinh tế, nghĩa tình hầu như đã hội tụ đầy đủ trong những làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà thiên hạ vẫn tấm tắc rằng, phải có cuộc sống sung túc, thanh nhàn, phong lưu lắm thì người dân miền này mới có thể cất lên những câu ca điệu hát yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống đến vậy...
Mạch nguồn văn hóa kết đọng từ ngàn đời ấy đã thấm lặn vào trong nếp ăn ở, nếp tư duy, ứng xử và đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của người Kinh Bắc. Ngày nay, người Bắc Ninh không bao giờ giấu giếm tình cảm thiết tha, thiêng liêng và niềm tự hào của mình đối với nguồn cội, quê hương nơi mình đang sống. Chẳng thế mà người đời bảo, những ai được sinh ra, được hấp thụ tinh hoa, trầm tích văn hóa của vùng đất đẹp và quyến rũ vào bậc nhất xứ Bắc như Bắc Ninh thì đó là một “biệt đãi của số phận”. Và ngược lại, những người con Bắc Ninh tài đức làm rạng rỡ truyền thống quê hương, thao thiết tận hiến, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam thì tên tuổi của họ cũng chính là một “biệt đãi” mà số phận đã trao cho vùng văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc...
Cách đây nhiều trăm năm dưới các triều đại phong kiến, danh xưng Kinh Bắc được cấu thành bởi 4 phủ. Đó là Phủ Từ Sơn, bao gồm các huyện Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Quế Dương và Võ Giàng; Phủ Thuận An, bao gồm các huyện Gia Lâm, Siêu Loại (Thuận Thành), Văn Giang, Gia Bình, Lương Tài; Phủ Bắc Hà, bao gồm các huyện Kim Hoa (Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn), Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Phúc (đất của Sóc Sơn); và Phủ Lạng Giang, bao gồm các huyện Phượng Nhãn (Lạng Giang), Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn (Bắc Giang) và Hữu Lũng (Lạng Sơn). |
V.Thanh
-
Ngày ban hành: (22/09/2020)
-
Ngày ban hành: (21/09/2020)
-
Ngày ban hành: (17/09/2020)
-
Ngày ban hành: (17/09/2020)
-
Ngày ban hành: (17/09/2020)
-
Ngày ban hành: (16/09/2020)
-
Ngày ban hành: (16/09/2020)
-
Ngày ban hành: (15/09/2020)
-
Ngày ban hành: (15/09/2020)
-
Ngày ban hành: (14/09/2020)
-
Ngày ban hành: (11/09/2020)
-
Ngày ban hành: (11/09/2020)